Khi đăng ký hộ kinh doanh cá thể, điều mà các chủ hộ tương đối quan tâm đến là đăng ký vốn như thế nào cho phù hợp. Hiện nay thì pháp luật không quy định số vốn điều lệ tối đa hay tối thiểu khi thành lập hộ kinh doanh cá thể. Chính vì thế, đăng ký số vốn điều lệ bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào khả năng tài chính của mỗi người cũng như tùy thuộc vào quy mô, ngành nghề kinh doanh mà người đăng ký muốn hướng đến. Tuy nhiên, một số ngành nghề kinh doanh cần đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định, thì hộ kinh doanh cần đảm bảo đăng ký vốn tối thiểu phải bằng vốn pháp định. Cũng cần lưu ý rằng trách nhiệm của hộ kinh doanh là vô hạn vì thế khi đăng ký vốn điều lệ, hãy cân nhắc tính rủi ro sau này.
Nhiều chủ hộ kinh doanh có thắc mắc rằng, việc đăng ký vốn này có ảnh hưởng gì đến mức thuế mà hộ kinh doanh phải đóng hay không? Luật Trí Nam xin trả lời là không. Thuế khoán Hộ kinh doanh phải nộp được tính dựa trên doanh thu của hộ kinh doanh, chứ không dựa vào vốn đăng ký.
Các loại thuế Hộ kinh doanh phải nộp bao gồm: Lệ phí môn bài, Thuế GTGT, Thuế TNCN.
- Đối với mức lệ phí môn bài hộ kinh doanh phải nộp được quy định như sau:
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm" 1.000.000đồng/năm;
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm;
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống không phải đóng lệ phí môn bài.
Đối với thuế GTGT, thu nhập cá nhân được xác định và tính theo phương pháp thuế khoán, quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC.