Quy định về ủy quyền thay mặt công ty khởi kiện tranh chấp
Căn cứ Điều 138 Bộ luật dân sự năm 2015
"Điều 138. Đại diện theo ủy quyền
1. Cá nhân, pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo uỷ quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện."
Như vậy công ty được quyền ủy quyền cho cá nhân, hoặc pháp nhận khác để gửi đơn khởi kiện, thực hiện thủ tục tranh tụng tại Tòa án, trọng tài trong quá trình giải quyết vụ án.
Hình thức đơn khởi kiện khi lập bởi người đại diện theo ủy quyền
Căn cứ theo Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
"Hình thức, nội dung đơn khởi kiện
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện.
2. Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:
a) Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
b) Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
c) Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
3. Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.
4. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
5. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án."
Khoản 3 Điều 189 Luật sư trích dẫn đã hướng dẫn rất rõ cách ký đơn khởi kiện với tư cách người đại diện thay mặt làm đơn khởi kiện.
Nội dung hợp đồng ủy quyền đại diện công ty khởi kiện tranh chấp
Quý khách hàng soạn thảo hợp đồng ủy quyền đại diện công ty theo hướng dẫn dưới đây của Luật sư Trí Nam
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN
V/v: Đại diện khởi kiện tranh chấp hợp đồng
Số: /2020/HĐUQ
- Căn cứ Bộ luật dân sự 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Căn cứ vào khả năng và nhu cầu thực tế của các bên.
Hôm nay ngày tháng năm 2020 tại trụ sở Công ty.
Chúng tôi gồm:
I. BÊN ỦY QUYỀN : (Bên A)
CÔNG TY
Trụ sở:
Mã số thuế:
Đại diện theo pháp luật: Ông/Bà Chức danh: Giám đốc
II. BÊN ĐƯỢC ỦY QUYỀN: (Bên B)
1. Trường hợp bên nhận ủy quyền là pháp nhân
CÔNG TY
Trụ sở:
Mã số thuế:
Đại diện theo pháp luật: Ông/Bà Chức danh: Giám đốc
2. Trường hợp bên nhận ủy quyền là cá nhân
Họ và tên: Sinh ngày
Số CMND:
Chức vụ:
HKTT:
Chỗ ở hiện tại:
Đồng ý ký Hợp đồng ủy quyền với những nội dung sau:
Điều 1: Bên A bằng văn bản này ủy quyền cho bên B làm đại diện và được toàn quyền thay mặt bên A tiến hành thực hiện tất cả các công việc liên quan bao gồm: Lập đơn khởi kiện và nộp hồ sơ khởi kiện tại TAND quận ... Đại diện tham gia tranh tụng và thực hiện các yêu cầu của Tòa án trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án.
Điều 2: Thời hạn ủy quyền: Từ ngày đến ngày (Hoặc cho tới khi Bên B hoàn thành công việc được ủy quyền.)
Điều 3: Nghĩa vụ của bên nhận ủy quyền (Tùy thỏa thuận)
Điều 4: Cam kết:
- Bên A hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi việc đã ủy quyền mà bên B thực hiện.
- Bên B nhận ủy quyền và cam đoan chỉ thực hiện công việc trong phạm vi được ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Bên A và bên B đã đọc kỹ nội dung hợp đồng ủy quyền, cùng thống nhất và nhất trí ký tên dưới đây:
Hà Nội, ngày tháng năm 2020
BÊN ỦY QUYỀN BÊN ĐƯỢC ỦY QUYỀN