Thành lập chi nhánh công ty có lợi ích gì trong việc mở rộng kinh doanh?
Để đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường , thuận lợi trong giao dịch và quản lý thị trường, doanh nghiệp thường sử dụng cách mở thêm các đơn vị phụ thuộc của mình tại các địa bàn khác nhau (Cùng tỉnh, thành phố hoặc khác tỉnh, thành phố đối với trụ sở chính). Một trong những hình thức doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn là đăng ký lập chi nhánh công ty. Bởi lẽ, chức năng hoạt động của chi nhánh khá rộng, vừa có chức năng kinh doanh, vừa có chức năng đại diện theo ủy quyền.
Khi mở chi nhánh, doanh nghiệp cần tiến hành đăng ký hoạt động chi nhánh với Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp muốn đặt chi nhánh.
Quy định về thủ tục thành lập chi nhánh công ty
✔ Hồ sơ thành lập chi nhánh công ty
Thủ tục đăng ký thành lập chi nhánh được quy định chi tiết tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp và Thông tư 02/2019/TT- BKHDT hướng dẫn chi tiết về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, Hồ sơ thành lập chi nhánh cơ bản cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Thông báo thành lập chi nhánh;
- Quyết định bằng văn bản về việc thành lập chi nhánh (của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, của Hội đồng thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần, của các thành viên công ty hợp doanh);
- Bản sao Biên bản họp về việc thành lập chi nhánh (đối với Công ty Cổ phần, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty Hợp danh);
- Bản sao Quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh - Giám đốc chi nhánh;
- Giấy tờ cá nhân chứng thực của người đứng đầu chi nhánh;
- Giầy tờ ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục (Nếu có).
✔ Các bước thành lập chi nhánh công ty
Hiện nay, khi thực hiện đăng ký thành lập chi nhánh, để đảm bảo tiết kiệm về thời gian, công sức, tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận và xử lý hồ sơ nhanh chóng, thủ tục sẽ tiến hành thực hiện theo 2 bước
- Bước 1: Nộp hồ sơ qua mạng tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
- Bước 2: Sau khi hồ sơ qua mạng hợp lệ, nộp tiếp hồ sơ giấy tại Phòng đăng ký kinh doanh và nhận kết quả
Khi đăng ký thành lập chi nhánh, doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm sau:
- Tên chi nhánh: Tên chi nhánh phải đăng ký theo quy định tại Điều 41 luật doanh nghiệp 2020, tức là, tên chi nhánh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu, phải mang tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh”;
- Khi đặt trụ sở chi nhánh ở tỉnh/thành phố khác nơi đặt trụ sở chính, cần nghiên cứu những quy định pháp luật có liên quan về ngành, nghề được phép kinh doanh tại nơi đặt trụ sở chi nhánh do không phải tất cả các ngành nghề doanh nghiệp đăng ký đều cho phép thực hiện;
- Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh phải nằm trong ngành nghề kinh doanh của công ty mẹ, và phải được đăng ký theo hệ thống ngành nghề kinh doanh hiện hành;
- Lựa chọn hình thức hạch toán của chi nhánh cho phù hợp với nhu cầu và khả năng của chi nhánh cũng như doanh nghiệp.