Điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật
✔ Thứ nhất việc đơn phương chấm dứt hợp đồng phải phù hợp với giao kết trong hợp đồng đã ký kết. Như vậy nếu trong hợp đồng kinh tế đã ký kết các bên có thỏa thuận về điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng thì khi áp dụng các bên cần tuân theo thỏa thuận này.
✔ Thứ hai khi các bên không thỏa thuận quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bên có yêu cầu chấm dứt hợp đồng căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành để gửi thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng.
>>> Xem thêm: Dịch vụ thành lập công ty tốt nhất tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi phát hiện hành vi vi phạm nghĩa vụ của đối tác
✔ Đối với hợp đồng kinh doanh thương mại áp dụng theo Điều 312 Luật thương mại 2005 để được áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng, cần đáp ứng được những điều kiện nhất định. Cụ thể như sau:
- Thứ nhất, xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận trước trong Hợp đồng là điều kiện để đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Trường hợp này, các bên đã có thỏa thuận cụ thể các trường hợp một bên được chấm dứt hợp đồng khi bên kia vi phạm. Chẳng hạn như: “Bên bán có quyền hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp bên mua không thanh toán” “bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng khi bên bán không giao hàng đúng thời hạn trong hợp đồng”
Nếu xảy ra các trường hợp mà hai bên đã thỏa thuận là điều kiện để chấm dứt hợp đồng thì bên bị vi phạm đương nhiên có quyền chấm dứt hợp đồng.
- Thứ hai, một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ Hợp đồng.
Vi phạm cơ bản chính là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Mục đích của hợp đồng chính là những quyền lợi, lợi ích mà các bên mong muốn có được từ việc giao kết hợp đồng. Chẳng hạn như đối với bên bán thì mục đích của việc giao kết hợp đồng thường là bán được hàng hóa và nhận thanh toán. Đối với bên mua thì thường mục đích giao kết hợp đồng thường là để mua được hàng hóa đúng chất lượng, số lượng, quy cách mẫu mã như thỏa thuận.
Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp khi xảy ra hành vi vi phạm là được thỏa thuận là điều kiện để chấm dứt hợp đồng hoặc xảy ra hành vi vi phạm nghĩa vụ cơ bản thì đều là điều kiện chấm dứt hợp đồng. Nếu thuộc trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng thì bên bị vi phạm không được hủy hợp đồng. Các trường hợp được miễn trách nhiệm trong hợp đồng:
+ Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận
+ Xảy ra sự kiện bất khả kháng
+ Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của của bên kia.
✔ Đối với các hợp đồng không áp dụng theo luật thương mại 2005 thì căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng được áp dụng theo Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:
“Điều 428. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng
1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.
4. Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.
5. Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.”
Hâu quả của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng
✔ Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật sẽ buộc phải tiếp tục thực hiện hợp đồng và có thể bị phạt vi phạm hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
✔ Đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật thì sau khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận đối với vấn đề giải quyết tranh chấp và quyền và nghĩa vụ của các bên sau khi chấm dứt hợp đồng.