Quy trình giải quyết vụ án tại Trọng tài và Tòa án
✔ Trước tiên, hoạt động xét xử của Tòa án phải qua các cấp xét xử khác nhau, từ cấp sơ thẩm đến cấp phúc thẩm. Ngoài ra, bản án đã có hiệu lực pháp luật còn có thể được xem xét lại ở cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nếu phát hiện có sai lầm. Còn trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp ở một lần duy nhất. Đây là điểm khác nhau rất cơ bản.
✔ Điểm khác nhau về tố tụng tiếp theo đó là do việc xét xử của Tòa án mang tính nghi thức nên việc áp dụng pháp luật nói chung và pháp luật về địa điểm và chứng cứ nói riêng là rất chặt chẽ. Tòa án xét xử ở nơi công khai, (thông thường tại phòng xét xử của Tòa án). Ngược lại, do không mang tính nghi thức nên địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài linh hoạt hơn hoặc sẽ do các bên thỏa thuận hoặc nếu không có thỏa thuận thì do Hội đồng trọng tài quyết định.
✔ Đối với việc áp dụng pháp luật về chứng cứ có sự khác nhau giữa xét xử của Tòa án và trọng tài. Thẩm phán có thẩm quyền đương nhiên áp dụng pháp luật chứng cứ theo quy định của luật tố tụng, còn trọng tài viên chỉ có quyền hạn chế trong việc áp dụng pháp luật về chứng cứ.
✔ Thông thường, theo yêu cầu của một hoặc các bên, Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp hoặc trực tiếp thu thập chứng cứ, tài liệu trong những trường hợp mà cho là cần thiết để làm rõ sự thật. Đối với những chứng cứ liên quan đến người thứ ba, trọng tài viên không có quyền ra lệnh cho họ cung cấp chứng cứ, nên khi gặp khó khăn, trở ngại trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, việc triệu tập người làm chứng, thì theo luật quy định, trọng tài có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ. Trong trường hợp đó, theo quy định tại Điều 414 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án có thẩm quyền: Thu thập chứng cứ hoặc triệu tập người làm chứng với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước hỗ trợ cho trọng tài hoạt động hiệu quả.
✔ Một điểm khác biệt quan trọng nữa, đó là khả năng kháng cáo. Trong khi phán quyết trọng tài là chung thẩm và không thể kháng cáo thì quyết định, bản án sơ thẩm có thể bị kháng cáo và các quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật có sai lầm vẫn có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm ở các cấp khác nhau trong hệ thống Tòa án.
✔ Ngoài ra, cũng còn có sự khác nhau trong việc tham gia của luật sư vào tố tụng, thời gian tố tụng và chi phí tố tụng của Tòa án và trọng tài.
So sánh quá trình giải quyết vụ án cụ thể giữa Tòa án và Trọng tài
Trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp có những điểm ưu việt so với xét xử. Tuy nhiên, cũng không nên quá đề cao trọng tài vì trọng tài cũng có những mặt bất lợi. Do vậy, trước khi có tranh chấp, các bên đương sự cần cân nhắc thật kỹ nên chọn phương thức nào. Ngay cả ở những nước có trình độ phát triển cao về trọng tài, đã có những quan điểm ưa chuộng lựa chọn xét xử của Tòa án đối với một số loại tranh chấp, cụ thể là với các tranh chấp trong lĩnh vực bất động sản, vì một số lý do sau đây:
✔ Khi chọn trọng tài, các bên phải nghĩ ngay đến việc thanh toán thù lao cho trọng tài như luật sư trên cơ sở tính theo giờ. Như vậy, họ phải tính đến một khoản chi phí tăng thêm. Ngược lại, các bên tranh chấp không phải trả tiền cho thẩm phán mà chỉ trả tiền án phí theo mức đã quy định.
✔ Khi ra tòa, các bên đương sự tự giải quyết tranh chấp với nhau thì cũng không phải thanh toán cho Tòa án. Khi đó, thẩm phán sẽ nói lời chúc mừng và cảm ơn các bên vì họ đã tự tìm cách giải quyết việc của họ mà không phải sử dụng thời gian quý giá mà Tòa sẽ dành cho họ. Trường hợp đó trong việc trọng tài thì vẫn phải thanh toán chi phí cho những ngày đã lên lịch mà trọng tài viên bỏ thời gian tham gia vì hầu hết phí trọng tài là dịch vụ không hoàn lại (dự phí) hoặc hoàn lại một tỉ lệ thấp.
✔ Như trên có đề cập, việc trọng tài sẽ dẫn đến kết quả của một phán quyết cuối cùng và không được kháng cáo. Điều đó cũng có tính hai mặt. Mặt tích cực là tranh chấp sẽ được giải quyết dứt điểm cho các bên mà không phải “dây dưa”. Nhưng mặt khác, cũng phải tính đến trường hợp khi trọng tài viên từ chối áp dụng một số quy tắc chặt chẽ của pháp luật, chứng cứ hoặc tùy nghi ra một phán quyết mà các bên không có cách gì để phản kháng nó vì đã phó thác cho trọng tài viên quyền đó.
✔ Tòa án rất chuyên nghiệp trong quy định và thủ tục vì thế có bề dày kiến thức và kinh nghiệm để có thể giúp đương sự biết được thắng kiện ở mức độ chính xác, rõ ràng hơn. Trọng tài viên thì có thể tùy nghi áp dụng hay không áp dụng các quy tắc chặt chẽ của pháp luật chẳng hạn như quy định về chứng cứ hoặc không áp dụng các án lệ, tiền lệ pháp – là một trong những kho tàng kinh nghiệm tích lũy từ bao đời trong lập pháp và xét xử.
✔ Cuối cùng, thắng hay thua vụ kiện thì sau khi trọng tài kết thúc, bên thắng cuộc vẫn phải làm đơn đến Tòa để đề nghị công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài và để làm đơn đến Tòa thì vẫn phải thanh toán án phí cho việc đó.
Bài viết hữu ích: Thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm máy tính 2021