Hiện nay pháp luật không giới hạn được sửa đổi hợp đồng bao nhiêu lần, hoặc các nội dung không được bổ sung, thay đổi trong hợp đồng. Do đó, thỏa thuận sửa đổi, bổ sung, gia hạn hợp đồng là văn bản được các chủ thể hợp đồng sử dụng khá phổ biến trong thực tiễn thực hiện hợp đồng, giá trị pháp lý của thỏa thuận là xác lập việc các bên giao kết hợp đồng đồng ý thay đổi nội dung của hợp đồng đã ký kết. Quy định về sửa đổi hợp đồng tại Điều 421 Bộ luật dân sự 2015.
“Điều 421. Sửa đổi hợp đồng
1. Các bên có thể thỏa thuận sửa đổi hợp đồng.
2. Hợp đồng có thể được sửa đổi theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này.
3. Hợp đồng sửa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng ban đầu.”
Ví dụ: Hai công ty ký kết hợp đồng nguyên tắc về mua bán hàng hóa trong đó thỏa thuận: Bên Bán có nghĩa vụ giao hàng trong 10 ngày kể từ ngày chấp nhận đơn đặt hàng.
Hiện tại hai bên muốn bổ sung thêm thỏa thuận việc: Bên bán khi không giao hàng theo đúng thỏa thuận thì phải thông báo cho Bên mua trước ít nhất 03 ngày, thời hạn giao hàng không được chậm quá 05 ngày so với thỏa thuận ban đầu.
Nên hai công ty đã lập phụ lục số 01 của hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa để ghi nhận thỏa thuận bổ sung điều khoản về thời hạn giao hàng của hợp đồng nguyên tắc.
Theo ví dụ này thì phụ lục số 01 của hợp đồng nguyên tắc phù hợp quy định tại Điều 421 nên có giá trị để áp dụng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai công ty. Giá trị của việc sửa đổi hợp đồng cũng được Bộ luật dân sự 2015 quy định chi tiết tại Điều 401
“Điều 401. Hiệu lực của hợp đồng
… 2. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.”
Ví dụ về sửa đổi hợp đồng công chứng
Hai cá nhân ký kết hợp đồng ủy quyền công chứng tại VPCC. Nay hai bên muốn thỏa thuận thay đổi nội dung ủy quyền đã nói.
Để thực hiện việc thay đổi nội dung ủy quyền, hai bên đã đến VPCC nơi ký hợp đồng trước đó để công chứng phụ lục sửa đổi hợp đồng ủy quyền.
Theo ví dụ này thì phụ lục sửa đổi hợp đồng ủy quyền có giá trị theo các quy định tại Bộ luật dân sự 2015 đã nêu ở trên và Điều 51 Luật công chứng 2014
“Điều 51. Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch
1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.
3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này.”
Biểu mẫu sửa đổi, bổ sung hợp đồng
Hiện nay có nhiều hướng ghi nhận việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn hợp đồng, chủ thể ký kết hợp đồng có thể lựa chọn lập văn bản thỏa thuận về việc sửa đổi hợp đồng, hoặc lập phụ lục sửa đổi hợp đồng, hoặc lập hợp đồng phụ sửa đổi hợp đồng chính. Người soạn thảo văn bản thỏa thuận sửa đổi hợp đồng cần lưu ý quy định pháp luật về hình thức thỏa thuận, thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận và nội dung thỏa thuận để đảm bảo thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng có giá trị sau khi ký kết.
Ví dụ: Hợp đồng thi công công trình xây dựng khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng các chủ thể hợp đồng ký kết phụ lục hợp đồng thay đổi khối lượng thi công của hợp đồng chính.
Trường hợp này phụ lục hợp đồng không có giá trị do trái với quy định tại Điều 143 Luật xây dựng 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020
“Điều 143. Điều chỉnh hợp đồng xây dựng
1. Điều chỉnh hợp đồng xây dựng gồm điều chỉnh về khối lượng, tiến độ, đơn giá hợp đồng và các nội dung khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Điều chỉnh hợp đồng xây dựng chỉ được áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng…”
Mẫu sửa đổi, bổ sung hợp đồng thường có các nội dung cơ bản sau:
PHỤ LỤC HỢP ĐỒNG .../20.../HĐDV
Hôm nay, ngày tháng năm 20..., tại địa chỉ ... chúng tôi gồm:
1. BÊN A: CÔNG TY
Địa chỉ:
Đại diện:
Chức danh:
2. BÊN B: CÔNG TY
Địa chỉ:
Đại diện:
Chức danh:
Hai bên đồng ý ký kết phụ lục hợp đồng dịch vụ số .../HĐDV/20.../... để: SỬA ĐỔI/ BỔ SUNG/ THAY THẾ các điều khoản của hợp đồng chính.
1. Nội dung bổ sung/ sửa đổi/ thay thế:
2. Lý do bổ sung/ sửa đổi/ thay thế:
3. Cam kết của các bên:
- Thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận.
- Tạo các điều kiện theo quy định của pháp luật để bên còn lại thực hiện hợp đồng.
4. Thời điểm phát sinh hiệu lực:
5. Các nội dung khác
Phụ lục hợp đồng là một phần không tách rời của hợp đồng chính và được lập thành 02 bản bằng tiếng Việt, mỗi bên giữ 01 bản.
ĐẠI DIỆN BÊN A ĐẠI DIỆN BÊN B
Thông thường việc ký kết hợp đồng, sửa đổi hợp đồng nếu không chặt chẽ sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp giữa các bên khi thực hiện hợp đồng, bởi bất kỳ bên nào cũng mong muốn có lợi khi giao kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng. Vì vậy, quy trình sửa đổi, bổ sung, gia hạn hợp đồng phải được xây dựng đúng pháp luật, quy trình ký kết đúng pháp luật để đảm bảo ràng buộc các bên thực hiện đúng thỏa thuận.
Trên đây là hướng dẫn của Luật sư về quy trình sửa đổi, bổ sung hợp đồng. Công ty Luật Trí Nam chuyên dịch vụ luật sư tư vấn soạn thảo hợp đồng, rà soát hợp đồng và đại diện giải quyết tranh chấp hợp đồng uy tín. Quý khách hàng khi có nhu cầu mời luật sư hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được hỗ trợ tốt nhất.