Đề nghị giao kết hợp đồng có giá trị gì?
Điều 390 khoản 1 Bộ luật dân sự 2015 định nghĩa: “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể.” Như vậy, các yếu tố của đề nghị giao kết hợp đồng bao gồm:
✔ Thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng;
✔ Thể hiện ý chí của bên đề nghị muốn được ràng buộc nếu bên kia chấp nhận nó;
✔ Đề nghị được gửi tới đối tượng xác định cụ thể.
Một đề nghị như thế nào được xem là thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng?
Thông thường, một đề nghị phải đủ cụ thể cho phép hình thành hợp đồng khi được chấp nhận. Luật pháp các nước thường quy định một đề nghị giao kết hợp đồng phải hàm chứa tất cả các nội dung thiết yếu của hợp đồng dự định ký kết. Pháp luật không liệt kê những nội dung được coi là nội dung thiết yếu của hợp đồng, vì vậy thẩm phán sẽ căn cứ vào từng hoàn cảnh cụ và căn cứ vào bản chất của từng loại hợp đồng để quyết định. Ví dụ, đối với một đề nghị giao kết một hợp đồng mua bán hàng hóa, chỉ cần đề nghị nêu rõ đối tượng và giá cả.
Làm thế nào để xác định ý chí của người đề nghị là “mong muốn bị ràng buộc bởi đề nghị đó”?
Thực ra, không nhất thiết bên đưa ra đề nghị phải tuyên bố rõ ràng rằng mình mong muốn bị ràng buộc bởi đề nghị này. Thông thường, người ta sẽ xem xét đến tính cách trình bày lời đề nghị, nội dung đề nghị để tìm ý định muốn bị ràng buộc của người đề nghị. Đề nghị càng chi tiết, càng cụ thể thì càng có cơ hội được xem như đã thể hiện mong muốn bị ràng buộc của người đề nghị.
Tuy nhiên, trong trường hợp một lời đề nghị mặc dù nêu rất chi tiết nội dung của hợp đồng dự định giao kết nhưng nếu người đề nghị có đưa ra một số bảo lưu thì đề nghị này chỉ được xem là lời mời đàm phán.
Trên thực tế, những bản giới thiệu, thậm chí dự thảo hợp đồng gửi cho đối tác có kèm theo câu: “các nội dung trong bản chào hàng này không có giá trị hợp đồng” hay “bản chào hàng này không có giá trị như một đề nghị giao kết hợp đồng” cho dù đã hàm chứa đầy đủ các nội dung của hợp đồng, vẫn chỉ là lời mời đàm phán.
>>> Xem thêm: Dịch vụ thành lập công ty trọn gói 100% - Uy tín, giá rẻ, nhanh chóng
Hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng
Về nguyên tắc, một đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó và chấm dứt khi hết hạn trả lời. Ngoài ra, bên đề nghị có quyền ấn định thời điểm đề nghị phát sinh hiệu lực. Nếu một đề nghị không nêu thời hạn trả lời thì liệu người đề nghị có bị ràng buộc hay không?
Điều 390 BLDS không coi việc nêu thời hạn trả lời là điều kiện của đề nghị; vì vậy, một lời giao kết hợp đồng quên không nêu thời hạn trả lời vẫn có thể bị xem là một đề nghị giao kết hợp đồng. Pháp luật một số nước coi rằng thời hạn trả lời trong hợp này là khoản thời gian “hợp lý” và do thẩm phán quyết định, căn cứ vào từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiển, đối với một đề nghị không nêu thời hạn trả lời thì người đề nghị có quyền rút lại đề nghị chừng nào chưa nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.
Thay đổi, rút lại, hủy bỏ, chấm dứt đề nghị giao kết
Bên đề nghị có thể thay đổi hoặc rút lại đề nghị trong các trường hợp sau đây:
✔ Nếu bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;
✔ Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.
Bên đề nghị chỉ được hủy bỏ đề nghị khi thỏa mãn hai điều kiện sau:
✔ Đề nghị có nêu quyết định được hủy bỏ đề nghị;
✔ Bên đề nghị thông báo hủy bỏ đề nghị và bên nhận được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên này trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng;
✔ Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
✔ Bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận;
✔ Hết thời hạn trả lời chấp nhận;
✔ Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;
✔ Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực;
✔ Theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên nhận được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.
Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
Theo Điều 396, Điều 397 BLDS năm 2015, một trả lời được xem là chấp nhận giao kết hợp đồng có hiệu lực khi:
✔ Trả lời đó chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị, nói cách khác, việc chấp nhận vô điều kiện, nếu người trả lời không đồng ý về một điểm dù là thứ yếu của đề nghị trả lời đó được xem như là một đề nghị mới
✔ Trả lời chấp nhận giao kết phải được thực hiện trong hạn trả lời.
Nếu trả lời được thực hiện trong hạn trả lời chung vì lý do khách quan đến tay người đề nghị chậm thì căn cứ theo Điều 397 khoản 1 BLDS năm 2015 đưa ra giải pháp sau: về nguyên tắc, nếu bên đề nghị nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này không còn hiệu lực và được xem như là đề nghị mới của bên đã chậm trả lời.
Nếu sự chậm trễ là do nguyên nhân khách quan mà người đề nghị biết hoặc phải biết về nguyên nhân khách quan này thì chấp nhận vẫn có hiệu lực, trừ phi người đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó.
Cũng theo Bộ luật dân sự thì cho phép người được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng nếu thông báo này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.