Ngoại trừ trường hợp di chúc vô hiệu, việc chia di sản thừa kế sẽ được áp dụng theo nội dung của di chúc. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
Quy định mới về chia di sản thừa kế theo di chúc
Di sản thừa kế theo di chúc sẽ được chia theo ý nguyện của người để lại di chúc, tức là trong di chúc quy định về việc phân chia tài sản như thế nào thì những người có quyền thừa kế phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo di chúc đó.
Ví dụ: Bà Nguyễn Thị A trước khi mất có để lại di chúc, trong di chúc đó ghi nhận bà có tài sản là 1 mảnh đất 1000 mét vuông và ngôi nhà bà đang ở trị giá 1 tỉ đồng. Năm 2018 bà để lại di chúc như sau: Bà có 4 người con, chồng bà đã mất trước đó, theo đó để không sảy ra tranh chấp giữa các con về tài sản bà A để lại di chúc như sau:
1000 m2 đất bà chia đều cho các con mỗi người con là 250 m2, còn ngôi nhà thì để cho cậu con út được thừa hưởng và có nghĩa vụ thờ cúng. Năm 2019 Bà A mất, các con cùng mở di chúc của mẹ, theo đó những người con được bà A chia di sản thì đều có quyền thừa kế di sản mà bà A để lại.
Khi chia thừa kế theo di chúc cần chú ý tới các quy định nào?
Những người hưởng thừa kế nhưng không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Bên cạnh những đối tượng được hưởng di sản thừa kế theo di chúc thì pháp luật cũng quy định một số đối tượng hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc, cụ thể theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”
Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ di chúc
Ở mỗi thời điểm, người để lại di chúc có thể có những nguyện vọng để lại di sản thừa kế khác nhau, chính vì vậy để tạo sự linh hoạt cho các chủ thể trong việc áp dụng quy định của pháp luật thì luật cũng quy định có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế thậm chí là hủy bỏ di chúc.
Cụ thể:
Người lập di chúc có thể sửa đổi bổ sung thay thế hoặc hủy bỏ di chúc do mình đã lập vào bất kỳ thời điểm nào người để lại di chúc có nguyện vọng.
Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật, phần trước đó mâu thuẫn không có hiệu lực.
Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ, bản hủy bỏ không còn giá trị pháp lý, trong trường hợp người hủy bỏ di chúc đã lập di chúc tại văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND xã phường khi hủy thì cần thu hồi và nộp lại các bản di chúc đã lập.
Từ chối hưởng di sản thừa kế
Theo quy định tại Điều 620 của bộ Luật Dân sự 2015 về việc từ chối hưởng di sản thừa kế như sau:
Thứ nhất: Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác, theo đó nếu có căn cứ cho rằng người hưởng thừa kế từ chối hưởng di sản thừa kế nhằn trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thì việc từ chối này sẽ không được thực hiện.
Thứ hai: Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
Thứ ba: Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Đọc thêm: Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ thay đổi địa chỉ công ty