Tranh chấp hợp đồng dân sự là gì?
Hợp đồng là văn bản thoả thuận giữa các bên về việc thay đổi, xác lập hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng phải đảm bảo tuân thủ theo những nguyên tắc sau đây:
- Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội;
- Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.
Tranh chấp hợp đồng dân sự là xảy ra mâu thuẫn xung đột bất hoà giữa các bên khi không thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ và quyền lợi như đã thống nhất trong hợp đồng.
Tranh chấp hợp đồng bao gồm những đặc điểm sau:
- Hợp đồng giao kết của các bên có 3 hình thức: lời nói, hành vi, văn bản.
- Khi tranh chấp phát sinh thì sự thoả thuận giữa các bên không còn thống nhất, tồn tại.
- Chủ thể tranh chấp là chủ thể của hợp đồng giao kết.
- Tranh chấp hợp đồng được gắn với lợi ích của các bên.
- Có sự vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hợp đồng
Nguyên nhân chủ quan:
- Doanh nghiệp thiếu hiểu biết về pháp luật khi điều chỉnh quan hệ hợp đồng.
- Doanh nghiệp không chú trọng tới các vấn đề về pháp lý mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận.
- Doanh nghiệp thường không có hợp đồng mẫu, không xem xét kỹ lưỡng hợp đồng trước khi ký kết.
- Chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà bất chấp việc vi phạm và phá vỡ các thoả thuận.
Nguyên nhân khách quan:
- Các rủi ro khách quan như thiên tai, dịch bệnh
- Chính sách luật có sự thay đổi liên tục khiến doanh nghiệp không kịp cập nhật.
- Khung pháp lý điều chỉnh thiếu minh bạch, có sự chồng chéo dẫn đến việc áp dụng sai.
Các tranh chấp hợp đồng dân sự thường gặp
Thông thường, các hợp đồng dân sự thường tranh chấp những nội dung như sau:
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
- Thời điểm chuyển giao rủi ro
- Quyền và nghĩa vụ của các bên
- Thời điểm giao hàng
- Thời điểm thanh toán
- Giá cả, phương thức thanh toán.
- Số lượng, chất lượng sản phẩm.
- Đối tượng của hợp đồng.
- Trách nhiệm bồi thường vi phạm, thiệt hại.
Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng
Dưới đây là một số phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng mà bạn có thể áp dụng:
Phương thức thương lượng
Hợp đồng được xây dựng dựa trên sự thoả thuận của các bên nên bạn có thể áp dụng phương pháp thương lượng để giải quyết tranh chấp.
Các bên sẽ tiến hành trao đổi, thoả thuận về bất đồng để đi đến 1 thoả thuận thống nhất. Để thương lượng đạt được hiệu quả cao nhất thì các bên cần cùng thương lượng và phải nắm được rõ quy định trong hợp đồng.
Các bên nên nhờ luật sư tham gia với vai trò đại diện sẽ giúp việc thương lượng dễ dàng và hiệu quả hơn.
Phương thức hòa giải
Hoà giải là quá trình trao đổi, thoả thuận để mang lại sự thống nhất với các bên. Khác với thương lượng, hoà giải sẽ có sự xuất hiện của bên thứ 3 làm trung gian hoà giải xung đột.
Phương thức giải quyết bởi Trọng tài
Pháp luật thường ưu tiên các bên sắp xếp tự thương lượng hoà giải với nhau. Nếu không hoà giải được thì có thể nộp đơn khởi kiện ra toà án hoặc gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp bởi trọng tài.
Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng theo thủ tục tố tụng tư pháp
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 26, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS), thẩm quyền giải quyết của Tòa án được xác định như sau:
- Hầu hết, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
- Tuy nhiên, đối với tranh chấp mà có đương sự hoặc có tài sản ở nước ngoài theo khoản 3 Điều 35 BLTTDS thì do Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
- Ngoài ra, nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 40 BLTTDS 2015.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án, đồng thời Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản đến các đương sự và cơ quan, tổ chức có liên về việc đã thụ lý vụ án. (Điều 196, Điều 197 BLTTDS 2015).
Quá trình giải quyết vụ án được tiến hành theo thủ tục sơ thẩm và các thủ tục khác theo quy định chung về tố tụng dân sự.
Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Công ty Luật Trí Nam
Công ty Luật Trí Nam giúp khách hàng giải quyết những tranh chấp hợp đồng sau:
- Hợp đồng dân sự
- Hợp đồng dịch vụ
- Hợp đồng mua bán hàng hoá
- Hợp đồng gia công
- Hợp đồng hợp tác kinh doanh
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
- Hợp đồng chuyển giao công nghệ
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền thương mại
- Hợp đồng uỷ thác xuất nhập khẩu
- Hợp đồng liên doanh.
Các công việc tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng được các luật sư thự hiện bao gồm:
- Tư vấn luật cho khách hàng
- Nghiên cứu hồ sơ để đánh giá sự việc
- Tìm các căn cứ pháp lý để hướng dẫn khách hàng thu thập thêm chứng cứ.
- Tham gia thương lượng, hoà giải
- Tư vấn hình thức giải quyết tranh chấp.
- Soạn thảo hồ sơ hoặc đơn khởi kiện cho khách hàng có nhu cầu.
- Tham gia tố tụng với tư cách là luật sư bào chữa cho khách hàng.
- Tham gia tố tụng với tư cách là đại diện theo uỷ quyền của khách hàng.
KINH NGHIỆM KHỞI KIỆN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG
Điều kiện khởi kiện tranh chấp hợp đồng
Các bên trong hợp đồng được quyền khởi kiện khi phát hiện quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Do đó các trường hợp khởi kiện tranh chấp hợp đồng sẽ bao gồm:
- Khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu từng phần hoặc vô hiệu toàn bộ.
- Khởi kiện hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký.
Vụ án còn thời hiệu khởi kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Cụ thể
- Thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng là 02 đến 03 năm tùy từng loại hợp đồng cụ thể.
- Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm.
- Thời hiệu khởi kiện đòi nợ là 02 năm.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng
- Tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài. Trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu.
- Các tranh chấp hợp đồng mà không phải tranh chấp kinh doanh thương mại hoặc không thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Việc xác định cụ thể Tòa án cấp quận huyện hay thành phố, Tòa án địa bàn nào giải quyết vụ án được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Hồ sơ khởi kiện tranh chấp hợp đồng
Danh sách tài liệu cần có trong hồ sơ khởi kiện tranh chấp hợp đồng
- Đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng kinh tế.
- Hợp đồng kinh tế hoặc văn bản, tài liệu giao dịch có giá trị như hợp đồng kinh tế.
- Biên bản bổ sung, phụ lục, phụ kiện hợp đồng (nếu có).
- Tài liệu về bảo đảm thực hiện hợp đồng như: cầm cố, thế chấp, tài sản (nếu có).
- Tài liệu về việc thực hiện hợp đồng như giao nhận hàng, các biên bản nghiệm thu, các chứng từ thanh toán, biên bản thanh lý hợp đồng, các biên bản làm việc về công nợ tồn đọng;
- Tài liệu về tư cách pháp lý của người khởi kiện, của các đương sự và người có liên quan khác như: giấy phép, quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp.
- Các tài liệu giao dịch khác (nếu thấy cần thiết);
- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).
Số bộ hồ sơ khởi kiện cần nộp cho Tòa án, Trọng tài
- Khởi kiện tại Tòa án: 01 bộ
- Khởi kiện tại Trọng tài: Số bộ đủ cho mỗi trọng tài 01 bộ, bị đơn 01 bộ.
Ví dụ: Thỏa thuận hợp đồng là giải quyết tranh chấp tại Trọng tài trong đó số lượng trọng tài viên là 03 thì người khởi kiện cần nộp 04 bộ hồ sơ khởi kiện.
So sánh thủ tục khởi kiện tranh chấp hợp đồng tại Tòa án và khởi kiện tại Trọng tài
- Trước tiên, hoạt động xét xử của Tòa án phải qua các cấp xét xử khác nhau, từ cấp sơ thẩm đến cấp phúc thẩm. Ngoài ra, bản án đã có hiệu lực pháp luật còn có thể được xem xét lại ở cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nếu phát hiện có sai lầm. Còn trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp ở một lần duy nhất. Đây là điểm khác nhau rất cơ bản.
- Điểm khác nhau về tố tụng tiếp theo đó là do việc xét xử của Tòa án mang tính nghi thức nên việc áp dụng pháp luật nói chung và pháp luật về địa điểm và chứng cứ nói riêng là rất chặt chẽ. Tòa án xét xử ở nơi công khai, (thông thường tại phòng xét xử của Tòa án). Ngược lại, do không mang tính nghi thức nên địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài linh hoạt hơn hoặc sẽ do các bên thỏa thuận hoặc nếu không có thỏa thuận thì do Hội đồng trọng tài quyết định.
- Đối với việc áp dụng pháp luật về chứng cứ có sự khác nhau giữa xét xử của Tòa án và trọng tài. Thẩm phán có thẩm quyền đương nhiên áp dụng pháp luật chứng cứ theo quy định của luật tố tụng, còn trọng tài viên chỉ có quyền hạn chế trong việc áp dụng pháp luật về chứng cứ.
- Thông thường, theo yêu cầu của một hoặc các bên, Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp hoặc trực tiếp thu thập chứng cứ, tài liệu trong những trường hợp mà cho là cần thiết để làm rõ sự thật. Đối với những chứng cứ liên quan đến người thứ ba, trọng tài viên không có quyền ra lệnh cho họ cung cấp chứng cứ, nên khi gặp khó khăn, trở ngại trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, việc triệu tập người làm chứng, thì theo luật quy định, trọng tài có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ. Trong trường hợp đó, theo quy định tại Điều 414 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án có thẩm quyền: Thu thập chứng cứ hoặc triệu tập người làm chứng với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước hỗ trợ cho trọng tài hoạt động hiệu quả.
- Một điểm khác biệt quan trọng nữa, đó là khả năng kháng cáo. Trong khi phán quyết trọng tài là chung thẩm và không thể kháng cáo thì quyết định, bản án sơ thẩm có thể bị kháng cáo và các quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật có sai lầm vẫn có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm ở các cấp khác nhau trong hệ thống Tòa án.
- Ngoài ra, cũng còn có sự khác nhau trong việc tham gia của luật sư vào tố tụng, thời gian tố tụng và chi phí tố tụng của Tòa án và trọng tài.
Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về cách giải quyết tranh chấp hợp đồng và thủ tục khởi kiện. Quý khách hàng cần sự trợ giúp hãy liên hệ ngay với công ty Luật Trí Nam để được tư vấn, hỗ trợ nhanh chóng nhất nhé!