Không thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng thì có được phạt không
Căn cứ quy định tại Điều 300 Luật thương mại
“Phạt vi phạm
Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này”.
Và Điều 418 Bộ luật dân sự 2015
“Thỏa thuận phạt vi phạm
1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”.
Với hai quy định này thì điều kiện được phạt hành vi vi phạm hợp đồng đòi hởi phải có đủ 3 căn cứ: Hợp đồng phải có hiệu lực; Có hành vi vi phạm hợp đồng; Các bên có thỏa thuận áp dụng phạt vi phạm.
Đọc thêm: Quy trình giải quyết tranh chấp hợp đồng mới nhất 2021
Căn cứ, điều kiện phạt vi phạm hợp đồng
1. Căn cứ pháp luật: Bộ luật dân sự 2015, Luật xây dựng 2014 (Chỉ áp dụng cho hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng, Luật thương mại 2005 (Chỉ áp dụng cho hoạt động thương mại).
2. Căn cứ tranh chấp xảy ra trong hợp đồng
Như đã nói ở trên, chỉ được phạt vi phạm hợp đồng khi có đủ 3 căn cứ: Hợp đồng phải có hiệu lực; Có hành vi vi phạm hợp đồng; Các bên có thỏa thuận áp dụng phạt vi phạm.
2.1 Hợp đồng có hiệu lực
Các quy định về phạt vi phạm đều nằm trong phần thực hiện hợp đồng (Bộ luật dân sự 2015) và phần chế tài trong Luật Thương mại 2015. Điều này có nghĩa là phạt vi phạm chỉ có giá trị khi hợp đồng có hiệu lực. Khi hợp đồng có hiệu lực thì các điều khoản mà các bên đã thỏa thuận mới có giá trị pháp lý ràng buộc giữa các bên. Ngược lại, nếu hợp đồng vô hiệu thì thỏa thuận phạt vi phạm cũng không có hiệu lực pháp luật.
2.2 Có vi phạm nghĩa vụ
Khoản 1 Điều 351 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ”.
Như vậy, với quy định trên thì bên vi phạm nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
2.3 Có thỏa thuận phạt vi phạm giữa các bên
Giữa các bên phải có thỏa thuận phạt vi phạm, theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì mức phạt do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.